Sân bay Quốc tế Long Thành – 5 dấu mốc quan trọng cần chú ý!

Sân bay Quốc tế Long Thành là công trình giao thông quan trọng nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2025. Mục tiêu khi xây dựng sân bay này là giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã bị quá tải trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, cần phải có một sân bay với quy mô lớn nhằm cạnh tranh kinh tế với các cảng hàng không trung chuyển lớn khác trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung khi xu hướng toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc.

Sân bay Quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua

Ngày 25 tháng 6 năm 2015, Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Nghị quyết về xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được 428 đại biểu tán thành, 17 đại biểu không đồng ý và 16 đại biểu bỏ phiếu trống.

Theo báo cáo giải trình, Sân bay Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là công trình giao thông quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Theo thiết kế, sân bay Long Thành có công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn đầu tư vào năm 2040. Khái toán cho toàn bộ dự án là hơn 16 tỷ USD. Cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Sẽ xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách, công suất 25 triệu khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn/năm; đưa vào khai thác vào năm 2025.
  • Giai đoạn 2: Xây dựng thêm một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách để khai thác 50 triệu khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện từ 2025 – 2030.
  • Giai đoạn 3: Thực hiện các hạng mục đầu tư còn lại để hoàn thành mục tiêu đón 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Lộ trình thực hiện từ năm 2035 đến 2040.

Vị trí sân bay quốc tế Long Thành nằm tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ sân bay về Thành phố Hồ Chí Minh theo cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây khoảng 40km. Từ sân bay về thành phố Biên Hoà theo Quốc lộ 51 khoảng 30km. Từ sân bay về thành phố Vũng Tàu khoảng 70km theo Quốc lộ 51. Dự án nằm cạnh đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây gần thị trấn Long Thành và cách cửa ngõ vào Thành phố công nghiệp Nhơn Trạch (khu đô thị phụ cận TP. HCM) 10km.

Sân bay Quốc tế Long Thành với thiết kế hoa sen độc đáo

Vượt qua nhiều đơn vị thiết kế kiến trúc nổi tiếng trong và ngoài nước, phương án thiết kế kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành, Đồng Nai hình tượng hoa sen đã được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn.

Đây là phương án của Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc), lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục. Đặc biệt, phần mái sảnh chính nhô ra của nhà ga sân bay Long Thành được thiết kế xếp lớp tượng trưng cho những cánh hoa sen.

Thu hồi 5000 ha đất để khởi động dự án sân bay Quốc tế Long Thành

Theo quy hoạch được phê duyệt từ năm 2005, sân bay Long Thành có diện tích 5000ha (50km²) thuộc 6 xã của huyện Long Thành là Suối Trầu, Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn.

Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 10 tháng 4 năm 2019 đã đồng ý xem xét, quyết định việc giải thể xã Suối Trầu và điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã còn lại. Từ ngày 1 tháng 6 năm 2019, xã Suối Trầu sẽ bị xóa tên trên bản đồ hành chính.

Sau khi điều chỉnh, sáp nhập và giải thể sẽ tiến hành thu hồi 5000 ha đất để phục vụ xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành theo đúng Nghị quyết đã đề ra trước đó.

1800 ha đất được tỉnh Đồng Nai bàn giao để xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Ngày 20 tháng 10 năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai làm lễ bàn giao 1800 ha đất xây sân bay giai đoạn 1 cho Cảng vụ hàng không miền Nam. Lễ ký kết có sự chứng kiến của đại diện Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty hàng không Việt Nam.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết trong 1.800 ha bàn giao giai đoạn này có 1.200 ha cao su, hơn 600 ha của các hộ gia đình, địa phương. Huyện Long Thành phải di dời hơn 1.000 hộ dân, trong đó hơn 600 hộ đã được bồi thường 1.295 tỷ đồng; 400 hộ sẽ được chi trả cuối tháng 10.

Ngoài 1800 ha đất bàn giao theo đúng yêu cầu của Thủ tướng, chúng tôi còn bàn giao thêm 800 ha đất cho giai đoạn hai của dự án. Tỉnh Đồng Nai cũng đặt mục tiêu bàn giao diện tích đất còn lại vào Quý II/2021 để chủ đầu tư xây hàng rào quản lý tránh tình trạng lấn chiếm đất trái phép.

Thủ tướng phê duyệt đầu tư dự án Sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, Thủ tướng ký Quyết định 1777/QĐ-TTg phê duyệt dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỷ đồng ( tương đương 4,66 tỷ USD).

Có tất cả 4 dự án thành phần sẽ triển khai trong giai đoạn này:

  • Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, công an, cảng vụ, kiểm dịch y tế… bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
  • Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
  • Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác sân bay thực hiện: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
  • Dự án thành phần 4 – các công trình khác: nhà đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lựa chọn.

Tổng quỹ đất cần sử dụng cho giai đoạn 1 là 2.668 ha, gồm 1.810 ha đất để xây dựng sân bay; khoảng 136 ha đất cho hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2; 722 ha tập kết đất dư thừa xây dựng giai đoạn 1 và để dự trữ xây dựng cho các giai đoạn tiếp theo.

Theo thông tin từ báo chí thì có khả năng trong tháng 12/2020 sẽ khởi công xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là niềm vui và niềm mong mỏi lớn nhất của người dân cả nước với “siêu dự án” này.

Bài viết liên quan