Dự án xây cầu Cát Lái bao giờ triển khai?

Dự án xây cầu Cát Lái nếu được triển khai sẽ tạo thành một đường giao thông xuyên suốt từ Quận 2, TP Hồ Chí Minh đến huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Mang lại nhiều lợi ích về giao thông, kinh tế – xã hội cho hai địa phương cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại sao dự án xây cầu Cát Lái phải đầu tư sớm?

Có nhiều lý do nói về sự cần thiết của cây cầu Cát Lái:

Thứ nhất, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao

Hiện nay, muốn đi từ TP Hồ Chí MInh sang Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại thì người dân phải qua phà Cát Lái. Mỗi ngày có hàng trăm nghìn lượt xe máy, ô tô “rồng rắn” qua phà gây nên tình trạng ùn tắc. Tình trạng này càng “tồi tệ” hơn trong những dịp lễ, tết.

Với nhu cầu đi lại ngày càng lớn, trong khi cầu chưa được xây dựng nên thường xảy ra tình trạng quá tải. Đặc biệt, vào cuối tuần hay dịp lễ, tết dòng xe “nhúc nhích” từng chút một qua phà tốn nhiều thời gian và gây mệt mỏi cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong, cho biết tình trạng quá tải tại phà Cát Lái sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu dự án xây cầu Cát Lái không được sớm đầu tư.

Thứ hai, giảm ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái

Cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam, lọt Top 25 cảng hàng đầu thế giới với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước.

Hiện nay, đường vào phà Cát Lái và cảng Cát Lái chỉ có thể đi qua đường Nguyễn Thị Định. Khu vực này thường xảy ra tình trạng ùn tắc do mật độ xe tải, xe container ra vào cảng rất lớn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Khi vị trí dự án xây cầu Cát Lái được xác định chính xác thì lượng xe máy, ô tô sẽ giảm bớt một phần, tạo thuận lợi cho xe tải, xe container ra vào cảng nhập và xuất hàng hóa nhanh chóng.

Thứ ba, là động lực để phát triển thành phố mới Nhơn Trạch

Nhơn Trạch hiện đang là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một khu đô thị vệ tinh hiện đại của TP HCM: tốc độ đô thị hóa cao; kinh tế công nghiệp phát triển; tập trung đông đúc dân cư; …

Theo Ông Lương Văn Giàu – nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai bày tỏ: Nếu dự án xây dựng cầu Cát Lái được làm sớm vừa thuận lợi đi lại cho người dân, vừa thúc đẩy kinh tế – xã hội cho cả khu vực huyện Nhơn Trạch từ rất lâu, vùng đất này sẽ phất lên như “hổ mọc thêm cánh”.

Dự án xây cầu Cát Lái đã có chủ trương

Dự án xây cầu Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông – vận tải. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại Quận 2 (TP.HCM) và Huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt sông Đồng Nai.

Tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chính thức đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây cầu Cát Lái. Theo tính toán, cần 7200 tỷ đồng để xây dựng cầu. Hiện có 2 phương án xây cầu được đưa ra:

Phương án 1, hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy, đi dọc đường Nguyễn Thị Định sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và kết nối vào đường Vành đai 2 – TP.HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km).

Trong 2 phương án trên, cả Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đều ủng hộ phương án 2, quy mô 6 làn xe trong đó có 2 làn hỗn hợp. Hiện vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ trước khi khởi công xây dựng.

Dự án xây cầu Cát Lái được chia làm 3 gói thầu

Với tư cách là Cơ quan có thẩm quyền trong việc đầu tư dự án xây cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị với Chính phủ phân chia dự án thành 3 dự án thành phần gồm:

  • Dự án 1: Phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, kiến nghị Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
  • Dự án 2: Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT.
  • Dự án 3: Phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao).

Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo thiết kế, dự án xây cầu Cát Lái có tổng chiều dài là 3,8 km; độ tĩnh thông thuyền cao 55m; quy mô 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp với vận tốc 80 km/giờ; mặt cắt ngang đường 60m. Cầu được thiết kế dạng dây văng cho tàu thuyền có trọng tải trên 60.000 tấn ra, vào dễ dàng.

Dự án xây cầu Cát Lái đang được người dân hai bờ sông Đồng Nai mòn mỏi chờ đợi gần 20 năm qua. Hiện bao giờ khởi công thì vẫn là dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời.

Bài viết liên quan