Đường vành đai 1,2,3,4 TPHCM – Bản đồ quy hoạch mới nhất

Đường Vành đai 1, 2, 3, 4 tại TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc, phát triển kinh tế và liên kết vùng giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Đồng thời, bảo đảm an ninh – quốc phòng quốc gia với nước bạn Campuchia.

Đường Vành đai 1 TPHCM

Đường vành đai 1 TPHCM có chiều dài 26,4km đi qua các Quận: Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Lộ trình cụ thể: Phạm Văn Đồng (Ngã 4 Linh Xuân) – Bạch Đằng – Trường Sơn – Hoàng Văn Thụ – Hồng Lạc – Thoại Ngọc Hầu – Hương lộ 2 – Kinh Dương Vương – Nguyễn Văn Linh. Dự án chia làm 4 đoạn:

Đoạn 1 (Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài): Ngã 4 Linh Đông (nút giao Phạm Văn Đồng – Vành đai 2) – Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn dài 8,5 km, 12 làn xe (lộ giới 60m). Đoạn này đã hoàn thành, trùng với đường Phạm Văn Đồng.

Đoạn 2: Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Ngã tư Bảy Hiền dài 4,8 km. Đoạn này đi trùng với các tuyến đường: Bạch Đằng – Hồng Hà (2 tuyến đường 1 chiều song song mỗi tuyến lộ giới 20m), Trường Sơn (lộ giới 60m), Trần Quốc Hoàn (lộ giới 50m), Hoàng Văn Thụ (lộ giới 32m). Đoạn này mới hoàn thiện giai đoạn 1.

Đoạn 3A (Vành đai trong): Ngã tư Bảy Hiền – Hương Lộ 2 dài 4,7 km. Gồm các tuyến đường: đường nối từ Ngã tư Bảy Hiền đến Âu Cơ (lộ giới 32m), đường Thoại Ngọc Hầu (lộ giới 44m), Hương lộ 2 (lộ giới 60m). Đoạn này vẫn chưa hoàn thiện.

Đoạn 3B (Vành đai trong): Hương lộ 2 – Nguyễn Văn Linh dài 8,4 km (lộ giới 60m). Gồm các tuyến đường: đường nối từ Hương lộ 2 đến đường số 29; đường Vành đai trong; đường nối từ Kinh Dương Vương đến Nguyễn Văn Linh. Đoạn này chỉ mới hoàn thiện đoạn Vành đai trong thuộc KDC Tên Lửa (Q. Bình Tân).

Đây là tuyến đường hiện hữu đã được xây dựng hoàn chỉnh 90% và phát huy hiệu quả trong việc giảm tải tình trạng tắc đường cho khu vực nội đô; thay đổi bộ mặt đô thị cho các quận, huyện; là ranh giới xử phạt hành chính giao thông đường bộ giữa nội thành và ngoại thành; thúc đẩy các địa phương phát triển nhanh và mạnh hơn.

Đường Vành đai 2 TPHCM

Đường vành đai 2 TPHCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc, phát triển kinh tế và liên kết vùng. Thế nhưng vẫn còn 14km thuộc 4 phân đoạn chưa được xây dựng khiến mục tiêu khép kín đường Vành đai 2 không biết bao giờ mới hoàn thành.

Đường vành đai 2 TPHCM đã hoàn thành đoạn từ cầu vượt Gò Dưa (Quận Thủ Đức) đi thẳng tới ngã tư An Sương và rẽ trái về vòng xoay Tân Tạo (Quận Bình Tân) – Tuyến đường trùng với Quốc lộ 1A.

Từ vòng xoay Tân Tạo rẽ vào đường Học Học Lãm đến Bến Phà Phú Định (Quận 8). Cầu Phú Định vượt kênh Đôi (chưa xây dựng) kết nối vào Trịnh Quang Nghị rẽ trái về Nguyễn Văn Linh hướng về Cầu Phú Mỹ – Võ Chí Công – cầu Phú Hữu (Quận 9).

Các phân đoạn đang thi công dở dang và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bao gồm:

  • Đoạn cầu Phú Hữu – Ngã 4 Bình Thái: dài khoảng 3,9km rộng 67m.
  • Đoạn Ngã 4 Bình Thái – Ngã ba Linh Đông dài 2.5km, rộng 67m.
  • Đoạn Ngã 3 Linh Đông – Gò Dưa dài 2,75km, rộng 60m.
  • Đoạn An Lập – Nguyễn Văn Linh dài 5,3km, rộng 60m.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Giao thông vận tải TPHCM, để khép kín đường Vành đai 2 càng sớm càng tốt, các đoạn còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn ngân sách. Đầu tháng 12, sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua chủ trương đầu tư 2 đoạn cầu Phú Hữu – Ngã 4 Bình Thái và Ngã 4 Bình Thái – Ngã ba Linh Đông với số vốn khoảng 14.600 tỷ đồng. Cụ thể:

Đoạn cầu Phú Hữu – Ngã 4 Bình Thái dài 3,9km sẽ đầu tư khoảng 9000 tỷ đồng, trong đó vốn giải phóng mặt bằng 6200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự án sẽ làm đường song song hai bên rộng 10.5m cho 3 làn xe lưu thông. Ngoài ra, sẽ xây dựng cầu vượt tại các nút giao đồng mức.

Đoạn Ngã 4 Bình Thái – Ngã ba Linh Đông dài 2.5km sẽ đầu tư khoảng 5600 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 2490 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự án cũng xây dựng 3 làn xe mỗi bên và lát đá vỉa hè hoàn chỉnh. Xây dựng 2 cầu vượt tại nút giao Phạm Văn Đồng và Xa lộ Hà Nội.

Đường Vành đai 3 TPHCM

Đường vành đai 3 TPHCM là một dự án giao thông trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi qua 4 địa phương là Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và Long An với chiều dài 89.3km. Hiện tại, chỉ mới xây dựng 16,3km đi qua tỉnh Bình Dương – 73km còn lại đang được bố trí vốn để xây dựng hoàn chỉnh trước năm 2025.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đường Vành đai 3 sẽ được thiết kế 6 làn xe tiêu chuẩn cao tốc loại A cho phương tiện lưu thông với tốc độ 100km/giờ. Toàn dự án sẽ được chia làm 4 đoạn với nhiều dự án thành phần khác nhau. Bao gồm:

  1. Đoạn Nhơn Trạch – Tân Vạn

Tổng chiều dài toàn tuyến là khoảng 34km đi qua TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, chia làm 2 gói thầu. Điểm đầu dự án là tại điểm Km 38 + 500 trên cao tốc Bến Lức – Long Thành. Điểm cuối dự án giao với Quốc lộ 1 giữa TPHCM – Bình Dương.

Gói thầu số 1: 17.7km

– Đoạn 1A: dài khoảng 8,75 km được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Hàn Quốc trị giá 190.96 triệu USD. Thời gian khởi công là Quý III/2021 với tổng mức đầu tư là 5329, 56 tỷ đồng.
Trong đó, xây mới cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai có tổng chiều dài 2.209m, rộng 19,5m cho 6 làn xe lưu thông. Cầu có khoang thông thuyền 110m và tĩnh không cao 30,5m.

– Đoạn 1B: dài 8,96km xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT (trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng do Nhà đầu tư BOT chi trả là 1.053,08 tỷ đồng).

Gói thầu số 2: 16,57km

– Đoạn 2A: dài khoảng 5km kéo dài từ cao tốc Bến Lức – Long Thành tới Tỉnh lộ 25B.

– Đoạn 2B: có chiều dài khoảng 11,57km. Kéo dài từ đường Lê Văn Việt (Quận 9) đến đường nối Tân Vạn – Mỹ Phước (Bình Dương).

Gói thầu số 2 dự kiến xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường nhựa cấp cao A1, bề rộng mặt cắt ngang với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với bề rộng nền đường từ 20,5m – 26m.

  1. Đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn

Đoạn đường này nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài khoảng 16,3km trùng với tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Dự án đã được xây dựng theo hình thức PPP và khánh thành vào năm 2013.

  1. Đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22

Đường Vành đai 3 đoạn này đi qua Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Toàn tuyến dài hơn 19km có điểm đầu gần cảng Bà Lụa, vượt sông Sài Gòn (xây mới cầu Bình Gởi) đi theo hướng Tây về Quốc lộ 22. Điểm cuối giao với Quốc lộ 22 tại KCN Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).

Theo tính toán, cần khoảng 10.000 tỷ đồng để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa tìm được nguồn vốn để thực hiện.

  1. Đoạn Quốc lộ 22 – Bến Lức

Để khép kín đường Vành đai 3 TPHCM, cần khoảng 11.000 tỷ đồng để xây dựng đoạn Quốc lộ 22 – Bến Lức. Điểm cuối của đường Vành đai 3 giao cắt với cao tốc Sài Gòn – Trung Lương và Bến Lức – Long Thành.

Đến nay, nguồn vốn xây dựng cũng như hình thức đầu tư chưa được làm rõ. Dự kiến, phân đoạn 3 và 4 của đường Vành đai 3 sẽ được đầu tư xây dựng cùng lúc.

Ý nghĩa của đường Vành đai 3 TPHCM

Trước thực trạng đường Vành đai 3 chậm tiến độ xây dựng gần chục năm so với kế hoạch đã phê duyệt 2011 gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế phía Nam.

Thủ tướng đã có những chỉ đạo liên tục để gỡ vướng mắc hướng đến mục tiêu khép kín đường Vành đai 2 và 3 tại TP. Hồ Chí Minh trước năm 2025. Đồng thời, lên kế hoạch khép kín đường Vành đai 4 trước năm 2030. Dưới đây là những ý nghĩa cấp thiết của tuyến đường này:

Thứ nhất, tạo hành lang phát triển kinh tế – xã hội

Cơ sở hạ tầng là nút thắt kìm hãm kinh tế phát triển. Khi cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách … thì nền kinh tế mới có điều kiện phát triển nhanh và bền vững.

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước hiện nay. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được chú trọng đầu tư đã cản trở sự giao thương giữa các tỉnh, các vùng. Vì vậy, xây dựng đường Vành đai 3 vào thời điểm này là cấp thiết và cần được ưu tiên để đầu tàu kinh tế có điều kiện bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn. Nhất là những địa phương có dự án đi qua.

Thứ hai, giảm tình trạng kẹt xe cho đường Vành đai 2

Thực trạng giao thông hiện nay tại TP Hồ Chí Minh là thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là ở những tuyến đường cửa ngõ. Điều này gây nên sự lãng phí về thời gian, tiền bạc trong việc lưu thông hàng hóa.

Đường Vành đai 2 hiện tại đang có nhiều xe container chạy chung với xe ô tô, xe máy. Mỗi năm trên tuyến đường này có hàng chục vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người chết và bị thương. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người đi đường là rất lớn.

Vì vậy, xây dựng đường Vành đai 3 được kỳ vọng sẽ giảm bớt tình trạng tắc đường và tai nạn giao thông. Bởi khi hoàn thành, các xe container sẽ phải đi trên đường Vành đai 3.

Thứ ba, kết nối tới các khu đô thị vệ tinh tương lai

Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng quá tải, vì vậy theo quy hoạch thì thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm để vừa thực hiện kế hoạch giãn dân vừa phát triển kinh tế xã hội.

Thực tế cho thấy đường Vành đai 3 được quy hoạch đi qua 2 khu đô thị vệ tinh ở phía Đông thành phố như Aqua City, Vinhomes Grand Park,… Và trong tương lai sẽ còn nhiều dự án khác sở hữu lâu dài đối với người Việt và 50 năm đối với người nước ngoài theo quy định hiện hành.

Đường Vành đai 4 TPHCM

Đường Vành đai 4 TPHCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, đây là tuyến cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe, tốc độ 60 – 80km/giờ đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai; Bình Dương; TP. Hồ Chí Minh và Long An với tổng chiều dài 197,6km.

Dự án được chia làm 5 đoạn thành phần, bắt đầu từ TX. Phú Mỹ giao với đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40 + 000 hướng về sân bay quốc tế Long Thành; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Quốc lộ 1A; Quốc lộ 22; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương; khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; Thành phố Hồ Chí Minh.

Hướng tuyến từng phân đoạn như sau:

  • Đoạn 1: Phù Mỹ – Trảng Bom: Có chiều dài khoảng 45km, tổng mức đầu tư 21.000 tỷ đồng. Đoạn này nằm giữa cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Gần với sân bay Quốc tế Long Thành.
  • Đoạn 2: Trảng Bom – Quốc lộ 13: Có chiều dài khoảng 51km đi qua các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); TX. Bến Cát, TX. Tân Uyên (Bình Dương). Vốn đầu tư đoạn này khoảng 24.000 tỷ đồng.
  • Đoạn 3: Quốc lộ 13 – Quốc lộ 22: Dự án bắt đầu từ TX. Tân Uyên tỉnh Bình Dương và huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), chiều dài gần 23km . Vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
  • Đoạn 4: Quốc lộ 22 – Bến Lức: Phân đoạn đường Vành đai 4 đi qua 3 huyện: Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh); Đức Hòa; Bến Lức (Long An) với chiều dài khoảng 41,6km, vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
  • Đoạn 5: Bến Lức – Nhà Bè: Phân đoạn cuối này bắt đầu từ huyện Bến Lức, rẽ về đường tỉnh 830 tới các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và kết thúc tại Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Chiều dài toàn tuyến là 35,8km và số tiền đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Hiện nay, chỉ có đoạn Bến Lức – Nhà Bè được Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các phân đoạn còn lại vẫn còn bất động.

Cụ thể, hình thức xây dựng là đối tác công tư (PPP) và chia làm 2 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe, tốc độ lưu thông 60 – 80km/giờ. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hoàn chỉnh thành 8 làn xe, rộng 74.5m. Dự kiến, vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 7076 tỷ đồng. Trong đó nhà nước góp 2600 tỷ đồng.

Trên đây là những thông tin mới nhất về đường vành đai 1, 2, 3, 4 TPHCM. Đây là những dự án giao thông quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội không chỉ riêng cho TP. Hồ Chí Minh mà cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Vừa đảm bảo an ninh – quốc phòng, giao lưu kinh tế với Campuchia và các nước ASEAN khác.

Bài viết liên quan